Vua William I của nước Anh William_I_của_Anh

Xâm lược nước Anh

Bài chi tiết: Trận Hastings

Khi vua Edward Sám Hối của nước Anh qua đời năm 1066, William lấy tư cách là anh em họ của Edward, tự nhận bản thân được trao lại ngai vàng nước Anh. Ông đã cùng đội quân đánh thuê là các kị sĩ người Pháp kéo sang Anh và đã đánh bại vua mới là Harold Godwinson trong trận Hastings rồi lên làm vua, mang theo cả chế độ phong kiến và tầng lớp hiệp sĩ Pháp đến cai trị đảo Anh.

Sự cai trị của William I tại nước Anh (1066-1087)

Đàn áp bạo loạn, củng cố vương quyền

Sau khi làm lễ gia miện, vua William trở về Normandy (tháng 2/1067) và giao nước Anh lại cho Odo, Công tước xứ Kent, cũng là người em trai cùng cha khác mẹ với William, cai quản. Tuy nhiên, rõ ràng dân chúng và giới quý tộc Anglo-Saxon khó lòng chấp nhận một vị vua ngoại tộc vừa mới áp đặt nền thống trị lên đất nước họ bằng một cuộc chiến tranh xâm lược. Vì vậy, những cuộc bạo động liên tiếp bùng nổ ở trên toàn khắp Anh quốc. Nhất là thế lực mạnh mẽ của các chúa phong kiến miền Bắc lại càng khó trị: với sự trợ giúp của người Đan Mạch, họ liên tiếp mở những đợt nam tiến, tấn công vào những vùng đất do người Norman cai trị.[1] Vì vậy, William lại phải thân chinh sang nước Anh để đánh dẹp và cuối cùng, vào năm 1069 ông đã ổn định được tình hình miền nam. Tiếp đó, vào các năm 1069-1071, William xua quân lên phía bắc, quyết tâm quét sạch các thế lực phong kiến Anh còn ngoan cố chống cự. Để triệt để tiêu diệt kẻ thù, quân Norman sử dụng chính sách tiêu thổ một cách tàn bạo, đốt phá và giết chóc tại mọi nơi họ đi quan. Hệ quả là miền bắc nước Anh bị tàn phá hết sức ghê gớm, nhiều làng mạc sau mười năm vẫn không có một bóng người. Những người may mắn sống sót không thể nào quên được cảnh đổ nát, chết chóc, cũng như cảnh người chết đói la liệt khắp nơi.[1]

Sau khi tiêu diệt các lực lượng nổi dậy, nước Anh về cơ bản đã được thống nhất. Năm 1072, William lại xua quân tấn công vùng Scotland, đến năm 1081 thì xâm chiếm xứ Wales, xây dựng một khu định cư đặc biệt tại biên cảnh hai địa phương nói trên để củng cố biên phòng và đảm bảo trật tự trị an. Đồng thời, William tiếp tục hạ lệnh xây dựng hàng trăm thành lũy trên khắp vương quốc Anh. Lúc ban đầu, các thành lũy này chỉ được xây dựng bằng gỗ hoặc đất, về sau chúng được mở rộng và củng cố, trở thành những pháo đài đá vững chắc còn tồn tại đến tận ngày nay.[1]

Bên cạnh việc dùng vũ lực đàn áp, William còn thi hành nhiều chính sách nhằm bài xích giới quý tộc người bản xứ Anglo-Saxon, như cách chức, hay tước đoạt thực quyền, thực địa của họ, đồng thời bổ nhiệm các quan chức người Norman (chủ yếu là họ hàng và giới quý tộc trung thành với William). Ở những khu vực trọng yếu, quan viên cai trị đều do chính tay William bổ nhiệm. Đối với Giáo hội, ông cũng thực hiện chính sách bài xích tương tự: năm 1070, dưới áp lực của William, Giáo hội Anh đã cách chức 5 vị Tổng giám mục gốc Anh, trong đó có tổng giám mục nổi tiếng Canterbury. Những người thay thế họ cũng đều đến từ lục địa châu Âu. Kể từ sau đó, các giáo phẩm của Giáo hội Anh, từ một cha xứ ở nhà thờ cho đến một Tổng giám mục đều do William trực tiếp bổ nhiệm, với mục đích thay thế các tăng lữ người Anh bản xứ bằng tăng lữ người nước ngoài. Kết quả là đến năm 1096, tất cả các hàng giáo phẩm đều không còn do người Anglo-Saxon nắm giữ nữa. Ông cũng tiến hành nhiều cải cách đối với giáo hội Anh, như cấm các giáo sĩ tự ý lập gia đình, buộc các giám mục rút lui khỏi tòa án dân sự để thành lập riêng tòa án tôn giáo, quy định các nghị quyết khiến cho các giám mục hay các mạng lệnh của Giáo hoàng đều không có hiệu lực tại Anh, trừ phi được vua Anh đồng ý,... Qua đó, giáo hội Anh đã trở thành một công cụ thống trị trong tay nhà vua với lý do là họ đã từng giúp đỡ Harold hay từng chống William.[1]

Như vậy, hầu như toàn bộ tầng lớp quý tộc Anglo-Saxon đã bị tước mất điều kiện để tồn tại. Nhiều nhà quý tộc Anglo-Saxon đã bị bán ra nước ngoài làm nô lệ, nhiều người khác bỏ trốn sang Flanders, một số khác gia nhập lực lượng cận vệ Varangian của các hoàng đế Đông La Mã Byzantine chiến đấu chống lại các cựu thù Norman của họ, lúc này đang tiếp tục xâm chiếm bán đảo Ýđảo Sicilia. Cho đến năm 1070, giới quý tộc Anglo-Saxon không còn sở hữu phần lớn ruộng đất tại Anh nữa, đến năm 1086 thì họ chỉ còn nắm giữ 8%.[3] Theo các tài liệu hiện có thì chỉ có hai người thoát khỏi tai họa nói trên. Riêng các hiệp sĩ Anh vẫn được phép thừa kế lãnh địa của gia tộc, với điều kiện họ phải thi hành nghĩa vụ quân dịch với nhà vua và phải lệ thuộc vào các chỉ huy, tướng lĩnh người Norman. Nhờ đó, lực lượng kị binh nước Anh trở nên hùng mạnh nhất cả châu Âu, tạo tiền đề cho sự vinh quang của tước hiệp sĩ Anh sau này.[1]

Đối với thế hệ quý tộc Norman mới đặt chân đến Anh, William cũng không tiến hành phân phong đất đai và chức vụ một cách tùy tiện, mà ông phân phát theo lối nhỏ giọt một cách khôn ngoan để đảm bảo những nhà quý tộc Norman khó lòng mà nổi loạn chống lại nhà vua. Tất cả những chính sách này đã góp phần đáng kể trong việc củng cố vương quyền của William.

Xây dựng luật pháp và bộ máy hành chính

Đại hội minh thệ Salisbury

Biên soạn "Sách ghi chép về việc điều tra ruộng đất"